15/01/2019
Cách nào Hà Nội có 30.000 tỷ đầu tư bãi đỗ xe?
PV Báo Giao thông trao đổi với ông Nguyễn Xuân Thanh, Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội làm rõ vấn đề này.
Ông Nguyễn Xuân Thanh
HĐND TP Hà Nội vừa biểu quyết thông qua quy hoạch bến xe, bãi đỗ xe, trên địa bàn TP Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó dự kiến chi gần 30.000 tỷ đồng xây dựng hơn 200 bãi đỗ xe.
Huy động thông qua xã hội hóa
TP Hà Nội dự kiến chi gần 30.000 tỷ đồng xây dựng hơn 200 bãi đỗ xe. Vậy, nguồn vốn này được lấy từ những nguồn nào, thưa ông?
Tại kỳ họp cuối năm 2018, HĐND thành phố đã ban hành Nghị quyết số 15/NQ-HĐND ngày 5/12/2018 thông qua đồ án “Quy hoạch bến xe, bãi đỗ xe, trung tâm tiếp vận và trạm dừng nghỉ trên địa bàn TP Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”. Theo đó, nguồn vốn để đầu tư cho hệ thống bãi đỗ xe theo đồ án quy hoạch này chủ yếu được huy động từ hình thức xã hội hóa thông qua các kỳ xúc tiến đầu tư hàng năm, công bố danh mục kêu gọi đầu tư và tổ chức lựa chọn nhà đầu tư theo các quy định của pháp luật.
Nhiều công ty trông giữ xe cho rằng, chi phí đầu tư bãi đỗ xe rất lớn đặc biệt bãi xe ngầm, gấp 3 - 4 lần so với đầu tư bãi đỗ xe nổi. Do đó, thời gian hoàn vốn dài, trung bình phải mất 100 năm cho một dự án. Hà Nội có cơ chế đặc thù gì để thu hút nhà đầu tư?
Trong quá trình chỉ đạo tháo gỡ khó khăn vướng mắc về cơ chế chính sách đảm bảo tính khả thi cũng như hài hòa lợi ích giữa Nhà nước và nhà đầu tư đã được UBND TP Hà Nội định hướng và nhận được sự đồng thuận, thống nhất cao từ phía các chủ đầu tư/nhà đầu tư để sớm thu hồi vốn. Thực tế, kinh phí đầu tư các bãi đỗ xe ngầm là rất lớn. Để thu hút nhà đầu tư Hà Nội sẽ cho phép chủ đầu tư lồng ghép một số chức năng dịch vụ tiện ích, thương mại khi đầu tư xây dựng nhưng đảm bảo không thay đổi chức năng quy hoạch cơ bản của ô đất, cũng như công suất đỗ xe; Ưu đãi về vay vốn, tiếp cận nguồn vốn; Ưu đãi về thuê đất, giao đất; Ưu đãi trong việc sử dụng, áp dụng các công nghệ khoa học hiện đại tiên tiến cho dự án.
Bãi trông xe cao tầng phố Nguyễn Công Hoan luôn chật kín xe gửi - Ảnh: Khánh Linh
Ưu tiên bãi đỗ xe ngầm và thông minh
Quỹ đất quy hoạch được thành phố thông qua sẽ dành 1.805,7ha dùng xây bãi đỗ xe. Hà Nội sẽ quy hoạch các vị trí bãi xe như thế nào để phù hợp, thưa ông?
Theo Nghị quyết về Quy hoạch bến xe, bãi đỗ xe, trung tâm tiếp vận và trạm dừng nghỉ trên địa bàn TP Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 nêu, từ nay đến năm 2025, Hà Nội sẽ huy động từ ngân sách, vốn đầu tư tư nhân khoảng 29.872 tỷ đồng để xây dựng 204 bãi đỗ xe tập trung tại khu vực trung tâm; chi ngân sách 2.300 tỷ đồng xây dựng 5 bến xe khách liên tỉnh, 2.570 tỷ đồng xây dựng 5 bến xe tải và 1.950 tỷ đồng 4 trung tâm tiếp vận; Giai đoạn tiếp theo, từ năm 2025-2030, thành phố dự kiến huy động thêm hơn 242.327 tỷ đồng để hoàn thiện hệ thống bến, bãi đỗ xe trên địa bàn.
Trong phạm vi đô thị trung tâm, chúng tôi sẽ quy hoạch 1.480 vị trí bãi đỗ xe công cộng tập trung với tổng quy mô diện tích 1197,8ha. Vị trí, quy mô diện tích các bãi đỗ xe công cộng được xác định phù hợp với các đồ án quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết được duyệt, cập nhật khớp nối thống nhất với các dự án đầu tư đã và đang triển khai. Tại các khu đất bãi đỗ xe đã xác định rõ tầng cao, diện tích sàn xây dựng và công suất đỗ xe làm cơ sở để triển khai lập dự án đầu tư xây dựng các bãi đỗ xe.
Cùng đó, có 13 vị trí bãi đỗ xe trung chuyển Park and Ride dọc theo các trục đường vành đai, trục hướng tâm tại vị trí gần các đầu mối giao thông vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn đáp ứng nhu cầu đỗ xe cá nhân khi trung chuyển tham gia vận tải bằng phương tiện công cộng. Tổng diện tích bãi đỗ xe trung chuyển Park and Ride 17,7ha; 133 vị trí các bãi đỗ xe buýt và 88 bãi đỗ xe tải trong phạm vi đô thị trung tâm, tổng diện tích 590,2ha đáp ứng nhu cầu dừng đỗ, sữa chữa xe buýt, xe tải.
Theo quy hoạch, thành phố sẽ ưu tiên xây dựng các bãi xe nổi hay ngầm, thưa ông?
Trong bối cảnh quỹ đất dành cho bãi đỗ xe trong khu vực đô thị trung tâm đặc biệt là khu vực nội đô lịch sử còn hạn chế, đồ án quy hoạch đã đặc biệt quan tâm, ưu tiên lựa chọn hình thức bãi đỗ xe ngầm, bãi đỗ xe thông minh đối với khu vực này.
Với tổng số 1.480 vị trí đỗ xe quy hoạch (tương ứng với diện tích khoảng 1.179 ha) trong khu vực đô thị trung tâm thì bãi đỗ xe ngầm có 74 vị trí (chiếm tỷ lệ khoảng 5% và chủ yếu nằm trong khu vực nội đô lịch sử). Bãi đỗ xe cao tầng thông minh có 450 vị trí (chiếm tỷ lệ khoảng 30,4%). Bãi đỗ xe nổi thông thường có 956 vị trí (chiếm tỷ lệ khoảng 64,6%).
Cảm ơn ông!
Xã hội hóa bãi đỗ xe là yêu cầu cấp bách
TS-KTS Đào Ngọc Nghiêm
Trao đổi với Báo Giao thông, TS-KTS Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam cho biết, bãi đỗ xe Hà Nội đang thiếu trầm trọng, hiện chỉ đạt gần 0,3% diện tích giao thông tĩnh.
Việc sử dụng gần 30.000 tỷ xây dựng hơn 200 bến bãi đỗ xe là yêu cầu cấp bách cần phải làm. Nhưng để làm được cần nguồn lực lớn. Trong bối cảnh ngân sách khó khăn, xã hội hóa đầu tư bến bãi đỗ xe là rất cần thiết.
Để xã hội hóa, Hà Nội cần có cơ chế chính sách ưu tiên cho các nhà đầu tư, đảm bảo hài hòa giữa lợi ích các doanh nghiệp với Nhà nước và người dân. Cùng đó, phải có quy hoạch nhiệm vụ thiết kế cụ thể của bến bãi đỗ xe. Trước khi kêu gọi đầu tư, thành phố cần đưa ra tiêu chí cụ thể về vị trí bến bãi, diện tích, thiết kế.